http://rossiboss.blogspot.de/ ROSSIBOSS VIDEO -TIN TỨC chân thành kính chúc Qúy Độc Giả An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý
Home » » Cười ra nước mắt: Đường... từng "chờ lún", "lún", "bù lún" rồi... "vẫn lún"!

Cười ra nước mắt: Đường... từng "chờ lún", "lún", "bù lún" rồi... "vẫn lún"!

Written By Trầm Hương Thơ on Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013 | 05:41


(LĐ) - Số 66 - Thứ tư 27/03/2013 08:23
Một đứa trẻ chỉ tấm biển bên đường và hỏi: “Ông Chờ Lún có công trạng gì mà được đặt tên đường vậy bố?”. Ông bố phải vận dụng tối đa kiến thức để giải thích “chờ lún” không phải là tên một danh nhân, mà là một công đoạn trong kỹ thuật làm đường.

Tên các ông “chờ lún”, “bù lún” xuất hiện khắp đất nước này như một nạn dịch, còn người dân sống trên địa bàn và người tham gia giao thông đi qua các loại “lún” là nạn nhân.


Điển hình như, đại lộ Đông - Tây hiện đại nhất TPHCM có giá trị đầu tư hàng nghìn tỉ đồng tiếp tục lún, bất chấp mọi sự “can ngăn” của các kỹ sư và nhà quản lý. Con đường này đã từng chờ lún, đã từng lún, đã từng bù lún. Sau đó, không thể chờ hay bù được nữa mà cứ lún, lún sâu đến mức bắt buộc người ta không còn dùng các khái niệm mơ hồ đó nữa mà phải sử dụng từ dễ hiểu hơn: Sửa chữa.

Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị - đại diện chủ đầu tư dự án Đông – Tây đối diện với một công trình nghìn tỉ xuống cấp nhanh đến chóng mặt và rất khó khăn để khắc phục. Bởi vì, sự cố lún đường xảy ra chỉ vài tháng sau khi đường đưa vào sử dụng, nhưng vẫn không tìm ra biện pháp khắc phục hiệu quả. Ban quản lý hứa một cách nhọc nhằn về việc sửa chữa, từ quý I/2012, đến quý II, rồi quý III/2012. Lời cam kết đó kéo dài đến hết quý I/2013. Một năm, con đường hiện đại nhất không những không được sửa chữa đúng theo cam kết mà lún nặng hơn.

Những người “có mặt” trong dự án này đưa ra nhiều lý do để giải thích sự cố như nền đất yếu, xe tải và container chở quá trọng tải hoặc nóng quá nhựa đường chảy ra, trồi lên…Cũng giống như mặt đường cầu Thăng Long bị hư hỏng, người ta đổ cho thời tiết, thật khó buộc trách nhiệm cho ông trời.

Trước sự thật thảm hại này, không thể có một lời giải thích nào thuyết phục và đầy trách nhiệm bằng ba chữ “xây dựng kém”.

Ngành xây dựng từng công bố giá trị đầu tư xây dựng cầu đường và đường cao tốc Việt Nam. Nếu so sánh với các quốc gia khác như Mỹ, Đức, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, thì suất đầu tư tính trên kilômét đường của Việt Nam cao hơn, thậm chí gấp nhiều lần. Thế nhưng, chất lượng luôn nằm ở hạng bét.

Đối với các nước văn minh, chỉ cần một đoạn đường bị lún như đại lộ Đông-Tây sẽ không có ai dám đứng ra thu một đồng phí của dân, chưa kể là chủ đầu tư hoặc chính quyền phải ra tòa vì bị dân kiện. Với con đường lún, nó không chỉ gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của dân mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của dân vì rất dễ xảy ra tai nạn.

Thế nhưng ở Việt Nam, xây dựng đường chất lượng kém nhưng vẫn rung đùi thu phí là chuyện thường. Ngoài đóng phí cho nhà đầu tư xây dựng đường lún, dân còn phải đóng nhiều thứ phí khác nữa liên quan đến hoạt động đi lại.

Sự khác biệt của văn minh và lạc hậu không chỉ là chất lượng xây dựng một con đường, mà còn là quá trình xây dựng sự công bằng trong xã hội.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Online

Lưu trữ Blog